Trị đầy hơi, khó tiêu ngày Tết với củ gừng

Củ gừng tươi rửa sạch, bào lát, nhai với vài hột muối hột hoặc uống nước gừng, giã bỏ vào túi để chườm bụng giảm đầy hơi, khó tiêu.

Bác sĩ Nguyễn Trần Như Thủy, Khoa Nội Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3, cho biết nhịp sinh hoạt ngày Tết thất thường, chế độ ăn đảo lộn dễ gây đầy bụng, khó tiêu, căng chướng quanh rốn, thượng vị. Nhiều người bị ợ hơi, buồn nôn nhưng không nôn. Thời tiết ngày Tết thường lạnh, người bệnh dễ bị khó tiêu hơn.

Chứng đầy hơi khó tiêu xuất hiện sau khi ăn quá khuya, hay những bữa ăn thịnh soạn liên tục có nhiều tinh bột, nhiều đạm ít chất xơ, nhiều đồ chiên xào, nêm nhiều muối. Uống nhiều các loại nước ngọt có gas cũng khiến cơ thể bị ợ hơi, khó chịu. Nguyên nhân chính do thức ăn lượng quá nhiều tồn lưu lâu mà không được truyền tống hấp thu dẫn đến đầy hơi chướng bụng.

Nếu khó tiêu, không kèm triệu chứng toàn thân như sốt, tiêu chảy cấp… không cần dùng thuốc uống. Ngoài mẹo ăn chậm nhai kỹ, ăn thêm rau xanh, dùng các thực phẩm giúp dễ tiêu, uống dấm táo hoặc chanh pha nước ấm…, bạn có thể bổ sung gừng vào bữa ăn hàng ngày.

Trong Đông y, gừng có ba loại là sinh khương (gừng tươi), can khương (gừng khô), thán khương (gừng nướng). Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cho biết gừng sống (sinh khương) có vị cay, tính hơi ấm, tác dụng chống lạnh, tiêu đờm, chặn nôn, giúp tiêu hóa. Gừng nướng cháy (thán khương) trị đau bụng lạnh dạ đi ngoài. Gừng khô (can khương) có tác dụng tán hàn, trị cảm lạnh, thổ tả. Vỏ gừng (khương bì) có tác dụng tiêu phù thũng (lợi tiểu). Gừng tươi cũng hiệu quả khi điều trị các chứng thức ăn không tiêu, nôn mửa, đau lạnh vùng bụng.

Cách lột vỏ gừng nhanh chóng chỉ với 3 bước đơn giản ngay tại nhà

Gừng – vị thuốc giúp chữa bệnh đầy hơi, khó tiêu

Bài thuốc từ gừng như ăn gừng tươi chấm muối. Một củ gừng tươi còn vỏ, rửa sạch, bào lát, nhai với vài hột muối hột. Sau khoảng 10 phút, bạn nhấm nháp một chút nữa, ăn dần dần từ từ, dùng khoảng 4-5 lát là bụng sẽ khỏe. Hoặc, gừng tươi một củ rửa sạch, cạo vỏ, giã nhuyễn, bỏ vào ly nước sôi tầm 200 ml đậy nắp trong khoảng hai phút. Nên uống trực tiếp lúc ấm hoặc có thể pha một ít đường hoặc mật ong cho dễ uống, có thể nấu nhiều và để tủ lạnh, hâm nóng lại mỗi khi dùng. Nên uống trong bữa ăn giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn hoặc có thể uống sau ăn.

Không nên pha quá ngọt hoặc bỏ quá nhiều gừng. Mỗi ngày, chỉ nên uống một hoặc hai cốc nhỏ trà gừng, tránh ợ nóng, hạ huyết áp, chảy máu trong cơ thể. Không nên gọt bỏ vỏ vì vỏ gừng cũng có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Người chuẩn bị mổ hoặc mới mổ xong thì không dùng gừng. Người chảy máu cam, chảy máu răng, băng huyết, ho ra máu, người bị đổ mồ hôi nhiều, cảm nắng…cũng hạn chế.

Phụ nữ mang thai không nên sử dụng vì trà gừng có thể gây co thắt tử cung, làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non. Những người có tạng nóng, hay lở miệng, táo bón, người nhiều mồ hôi hoặc đang ra mồ hôi thì không nên ăn gừng.

Đối với cảm ho nhiều đàm, khó thở có thể nấu sôi kỹ 7 lát gừng tươi, một thìa trà tầu, một quả chanh tươi vắt nước pha vào thuốc, một thìa rượu mạnh và một thìa mật ong, sắc thành thuốc uống.

Người bị sốt rét, nóng lạnh, ho có đờm dùng gừng nướng kỹ, gọt sạch, thái miếng, ngậm nuốt nước. Hay người ho lâu không dứt, họ có đờm thì dùng gừng giã dập, chưng với mật ong để ngậm hoặc dùng một miếng gừng, nhai ngậm nuốt dần tránh gió độc khi ra ngoài sáng sớm.

Ngoài ra, bạn có thể dùng gừng tươi khoảng 400 g rửa sạch, nghiền nhỏ, vắt lấy nước. Bã gừng cho vào nồi đun nóng sau đó đổ ra một chiếc khăn mịn sạch bọc lại. Đợi cho nguội bớt, rồi đắp lên bụng, xoay vòng theo chiều kim đồng hồ toàn bụng. Sau khi bã gừng nguội, tiếp tục cho vào nồi, thêm chút nước gừng, đun nóng lên rồi đắp tiếp. Lưu ý kiểm soát nhiệt độ túi để không gây bỏng da. Nếu tình trạng kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt, ăn uống, bạn nên đi kiểm tra tại bệnh viện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *